TIN TỨC

23 - 07
09
09 - 07 - 23

“Thị trường bất động sản sẽ tích cực hơn vào cuối năm 2023”

Mất cân đối cung cầu

Tại Hà Nội, thị trường căn hộ tiếp tục mất cân đối về nguồn cung khi căn hộ trung và cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong khi tỷ lệ căn hộ vừa túi tiền ngày càng giảm và ở mức thấp trong tương quan với tổng nguồn cung được chủ đầu tư tung bán trên thị trường.

Giá trên tất cả các phân khúc từ năm 2021 đã bị đẩy lên ở mức cao khiến người mua để ở và mua để đầu tư cũng hết sức do dự.

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2023 là Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong việc vào cuộc “gỡ khó” cho thị trường bất động sản như ban hành Nghị định 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội; chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Gần đây, UBND TP. Hà Nội đang xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai nhiều năm tại các khu vực giúp dần tạo sự minh bạch cho thị trường, loại bỏ các dự án kém chất lượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường hiện nay tương đồng với giai đoạn 2011-2012, tuy nhiên, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Đầu tư, Savills Hà Nội đánh giá, cả hai giai đoạn có sự tương đồng, nhưng cũng có nhiều sự khác biệt, đó là quy mô thị trường ở giai đoạn trước đây nhỏ hơn, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn thì nay thị trường bất động sản phát triển mạnh rất nhiều địa phương. Giá bán tại thời điểm ghi nhận tới quý 1/2023 đều ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, việc điều chỉnh giá giảm không rõ nét. Trong khi đó, cuối 2012, giá nhà ở thấp tầng trong dự án đã giảm mạnh đến 30% so với cùng kỳ năm 2011 – thời điểm thị trường Hà Nội bước vào giai đoạn suy thoái.

“Hiện nay thị trường đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn trước đó về tiếp cận nguồn vốn phát triển, đầu tư cũng như việc giải quyết các vấn đề pháp lý dự án kéo dài khiến nguồn cung hạn chế, thiếu các sản phẩm phù hợp, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào dự kiến tăng. Đi kèm với việc này là sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi”, bà Hằng nói.

Để lại một bình luận